Saturday
2024-04-20
7:45 AM
ĐĂNG KÝ
CÁC BÀI ĐÃ ĐĂNG
TIN NHẮN
Calendar
«  April 2010  »
SuMoTuWeThFrSa
    123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930
BÌNH CHỌN
Rate my site
Total of answers: 64
KHÁCH ONLINE

Total online: 1
Guests: 1
Users: 0
TỐNG ĐẠI HIỆP
Main » 2010 » April » 22 » Cà rốt, trứng hay hạt cà phê
12:05 PM
Cà rốt, trứng hay hạt cà phê

Cách đây một năm, khi tìm ý tưởng cho bài thuyết trình về "Đối mặt với những thử thách của cuộc sống", tôi tình cờ tìm đọc được câu chuyện về bài học mà một người cha dạy cô con gái cách vượt qua những khó khăn cuộc đời đem đến, những khó khăn đã khiến cô gái muộn phiền và nhiều lần toan nghĩ đến việc chối bỏ cuộc sống này.

Cha cô vốn là một đầu bếp. Một lần, nghe con gái than thở, ông dẫn cô xuống bếp. Ông bắc ba nồi nước lên lò và để lửa thật to. Khi ba nồi nước sôi, ông lần lượt cho cà rốt, trứng và hạt cà phê vào từng nồi riêng rồi đun để chúng tiếp tục sôi mà không nói một lời. Người con gái sốt ruột không biết cha định làm gì. Lòng cô đầy phiền muộn trong khi ông lại thản nhiên nấu. Nửa giờ sau người cha tắt bếp, lần lượt múc cà rốt, trứng và cà phê vào từng bát khác nhau. Ông bảo con gái dùng thử cà rốt. "Mềm lắm cha ạ", cô gái đáp. Sau đó, ông lại bảo cô bóc trứng và nhấp thử cà phê. Cô gái cau mày vì cà phê đậm và đắng.

- Điều này nghĩa là gì vậy cha? - cô gái hỏi.
- Ba loại thức uống này đều gặp phải một nghịch cảnh như nhau, đó là nước sôi 100 độ. Tuy nhiên mỗi thứ lại phản ứng thật khác.

Cà rốt khi chưa chế biến thì cứng và trông rắn chắc, nhưng sau khi luộc sôi, chúng trở nên rất mềm. Còn trứng lúc chưa luộc rất dễ vỡ, chỉ có một lớp vỏ mỏng bên ngoài bảo vệ chất lỏng bên trong. Sau khi qua nước sôi, chất lỏng bên trong trở nên đặc và chắc hơn. Hạt cà phê thì thật kỳ lạ. Sau khi sôi, nước của chúng trở nên rất đậm đà.

Người cha quay sang hỏi cô gái: "Còn con? Con sẽ phản ứng như loại nào khi gặp phải nghịch cảnh.

Con sẽ như cà rốt, bề ngoài tưởng rất cứng cáp nhưng chỉ với một chút đau đớn, bất hạnh đã trở nên yếu đuối chẳng còn chút nghị lực? Con sẽ là quả trứng, khởi đầu với trái tim mỏng manh và tinh thần dễ đổi thay. Nhưng sau một lần tan vỡ, ly hôn hay mất việc sẽ chín chắn và cứng cáp hơn. Hay con sẽ giống hạt cà phê? Loại hạt này không thể có hương vị thơm ngon nhất nếu không sôi ở 100 độ. Khi nước nóng nhất thì cà phê mới ngon.

Cuộc đời này cũng vậy con ạ. Khi sự việc tưởng như tồi tệ nhất thì chính lúc ấy lại giúp con mạnh mẽ hơn cả. Con sẽ đối mặt với những thử thách của cuộc đời như thế nào? Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?"

Câu chuyện làm tôi nghĩ đến bản thân mình và tự hỏi bản thân nhiều lần. Tôi muốn trở thành cà rốt, trứng hay hạt cà phê? Và những người bạn trẻ của tôi (không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khắp nơi trên thế giới) các bạn muốn trở thành những con người biết đối mặt với thử thách, tận hưởng cảm giác vượt qua thử thách hay thích làm con người yếu đuối, chỉ chút bất hạnh kém may mắn đã vội bỏ cuộc?

Thứ nhất, tôi không tán thành sự yếu đuối và tự huyễn hoặc mình.
Tôi lại nhớ đến cô bạn gặp trên đường đến giảng đường hôm nay. Lúc gặp, cô đang khóc thút thít và than thở cùng một cô bạn gái khác (và sau đó là tiếp tục than thở với tôi). Cô bảo rằng cô và người bạn trai vừa chia tay, cô không thể học, không thể tập trung, không thể làm việc, và cô chỉ muốn nghĩ đến cái chết. Câu chuyện tình này có vẻ chẳng xa lạ gì trong giới trẻ xưa và nay, và cả mai sau nữa. Điều tôi muốn đề cập ở đây là cách mà cô gái trẻ đang chọn cho mình để đối mặt với những sóng gió và bão tố trong cuộc sống.

Tôi không chỉ trích hay lên án những giọt nước mắt yếu đuối ấy, thậm chí tôi còn tin rằng chính nhờ khóc, con người ta mới giải tỏa được những phiền muộn của mình, nỗi buồn theo giọt nước mắt tan nhanh. Điều tôi không đồng ý là suy nghĩ chán đời của cô gái. Tôi cũng là người trọng tình yêu, nhưng nếu vì tình yêu mà hủy hoại cuộc sống của mình và những người yêu thương mình thì thật là rồ dại và đáng trách. Những người trẻ tuổi ơi, nếu bạn không có trách nhiệm với cuộc sống của chính bạn thì sẽ chẳng ai lãnh nhận trách nhiệm đó cả. Và nếu bạn tin rằng sự yếu đuối có thể giúp bạn hạnh phúc hơn, và giúp cho người khác yêu thương bạn nhiều hơn vì họ nhận thấy bạn cần họ thì đó chỉ là sự tự huyễn hoặc mình của bạn mà thôi.

Vì nếu mọi người yêu thương bạn bởi bạn là một con người yếu đuối thì bản chất của tình thương đó là sự thương hại. Bỗng dưng bạn trở thành một gánh nặng cho những người bạn yêu thương. Suy nghĩ này thật khó chấp nhận nhưng tôi tin rằng đó là sự thực mà rất nhiều con người yếu đuối không thể nhận ra, hoặc đang lảng tránh...

Thứ hai, tôi không thích việc thiếu bản lĩnh, sợ thử thách nhưng lại thích ba hoa hoặc than thở.
Mỗi ngày trôi qua là một ngày tôi được gặp nhiều con người khác nhau, được tiếp xúc với nhiều dòng tư tưởng khác nhau. Sáng nay tôi loay hoay đọc một số lời bình luận về những vấn đề thuộc về giáo dục, môi trường... của đất nước. Tôi va phải những dòng chỉ trích, chê bai, thậm chí còn chứng kiến những lời than phiền mang tính chất "chửi bới" và không hề có tinh thần xây dựng. Nhiều tờ báo đăng những lời bình luận của độc giả về một vấn đề nóng hổi nào đó nhưng bình luận xong rồi thì đâu lại vào đấy thôi. Vậy thì than phiền làm gì, chê bai làm gì để rồi chỉ ngồi đó mà tiếp tục chê bai và than phiền.

Ai cũng chê môi trường kinh doanh của Việt Nam bất ổn định, giáo dục Việt Nam còn nhiều lỗ hổng, vân vân và vân vân, và cuối cùng cũng chỉ là "lời nói gió thoảng mây bay". Quan điểm của tôi là "hành động sẽ chứng minh cho lời nói". Tôi nể phục những người trẻ dám nói, dám làm, những người đang âm thầm chiến đấu từng ngày để phục vụ cho cộng đồng và xã hội, những người biết đặt lợi ích của đất nước lên trên lợi ích cá nhân của mình. Tôi cũng nể phục những con người khiêm tốn, nói ít làm nhiều. Tôi rất sợ phải nói chuyện với những con người sợ sự thay đổi, sợ thử thách nhưng lại hay ba hoa chích chòe. Đã là tuổi trẻ phải biết gánh vác trách nhiệm của mình, trước nhất là với bản thân, sau là với gia đình và đất nước. Sự nhát gan không dám lãnh nhận trách nhiệm và thử thách là rào cản lớn nhất ngăn cản những con người trẻ tuổi thực hiện những ước mơ và hoài bão của mình.

Và thứ ba, tôi không thích những người sĩ diện, xa rời thực tế.
Cách đây vài ngày, tôi gặp cô bạn người Trung Quốc đang theo học ngành Quản trị Khách sạn - Nhà hàng. Cô than phiền sao tìm việc làm khó quá, Australia sao khắt nghiệt quá. Tôi thắc mắc hỏi vì sao lại khó tìm việc trong lĩnh vực cô đang học, vì tôi có nhiều người bạn hiện cũng vừa đi học vừa làm nhiều công việc khác nhau liên quan đến nhà hàng - khách sạn, họ làm những công việc từ bồi bàn, tiếp tân, cho đến lau chùi, dọn phòng, vân vân. Và tôi ngạc nhiên tại sao cô lại không thể tìm được việc trong lĩnh vực này và khi cô chia sẻ lý do cô không tìm được việc thì tôi, một lần nữa, lại thấy bất bình và không thể đồng ý với cô.

Cô bảo rằng không muốn bắt đầu công việc bằng những vị trí "thấp hèn" như vậy, cô không thích làm bồi bàn, cũng chẳng thích làm tiếp tân, lại càng không thích lau dọn phòng nơi khách sạn. Tôi hỏi cô vậy cô muốn tìm thấy những kinh nghiệm như thế nào, cô bảo rằng cô không biết? Và rằng cô chỉ muốn làm công việc văn phòng, được ăn mặc sang trọng?

Tôi không trách cô gái này vì có cả trăm nghìn người trẻ đang suy nghĩ và nuôi dưỡng cái nhìn hạn hẹp giống hệt cô. Họ thích vẻ bề ngoài sáo rỗng và tự đưa mình ra xa thực tế để rồi lại ngồi trách bản thân sao thực tế quá phũ phàng. Học về Quản trị khách sạn nhà hàng thì điều cần thiết là phải nắm tất cả những quy trình liên quan đến công việc, những quy trình này đòi hỏi con người phải trải nghiệm qua công việc và phải có kiến thức chuyên môn. Làm bồi bàn hay nhân viên lau dọn đều đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp dịch vụ. Tôi định bụng hỏi cô bạn của tôi xem cô có biết cách trình bày một bàn ăn theo phong cách phương Tây hay phong cách Á Đông như thế nào không, rằng cô bạn này có biết loại nĩa nào được dùng để ăn loại thịt gì, loại rượu nào phải pha chế như thế nào thì ngon... và tôi lại thôi, không hỏi vì tôi đã biết tỏng câu trả lời.

Nói đến đây, xin cho phép tôi nói về người cha của mình như một ví dụ. Cha tôi bắt đầu sự nghiệp quản lý khách sạn nhà hàng của mình bằng công việc trực điện thoại "chán phèo" tại khách sạn Caravelle. Tiếp sau đó là một chuỗi những công việc "chán phèo phèo" tương tự, như tiếp tân, trực cửa... Cha kể rằng những kinh nghiệm từ những công việc đó rất quan trọng với ông vì đây là những bước đầu tiên ông bước vào thế giới của lĩnh vực chuyên môn. Những kiến thức, kinh nghiệm và kĩ năng được phát triển trong giai đoạn này dạy cho ông biết để quản lý cả một khách sạn to lớn và những công việc be bé nho nhỏ tưởng chừng thấp hèn này lại ảnh hưởng trực tiếp đến sự thỏa mãn của khách hàng, sự tăng trưởng của doanh thu và sự phát triển của khách sạn. Cha tôi giờ đây đã đảm nhiệm chức vụ quản lý cao cấp tại khách sạn Sheraton và ông luôn tự hào về khoảng thời gian làm những công việc "trông chẳng mấy sang trọng" nhưng lại vô cùng quan trọng này.

Để kết thúc bài viết, tôi xin được lặp lại câu hỏi mà tôi dùng để đặt tựa đề cho bài viết. "Bạn muốn là củ cà rốt, quả trứng hay hạt cà phê?". Không có câu trả lời nào đúng nhất, vì sẽ chẳng ai có quyền chỉ trích việc bạn chọn cho mình cách đối mặt với những thử thách trong cuộc sống như thế nào.

Cá nhân tôi, từ bé đến giờ tôi luôn quan điểm rằng cuộc sống cần có thử thách thì con người mới có cơ hội trưởng thành, tôi không thích chọn con đường bằng phẳng để đi, và một lần nữa, tôi thích hành động hơn là lời nói. Tôi viết bài chia sẻ này để động viên chính mình và cũng để thuyết phục những bạn trẻ chọn cho mình một câu trả lời và hướng đi thích hợp để từng giây, từng phút các bạn có được sẽ vô cùng đáng trân trọng và có ý nghĩa. Và xin "Hãy làm những gì bạn muốn làm, mơ những gì bạn muốn mơ, đi đến những nơi bạn muốn đến và trở thành những gì bạn muốn, bởi vì bạn chỉ có một cuộc sống và một cơ hội để làm tất cả những gì bạn muốn."

Mong bạn luôn mạnh mẽ và có đủ bản lĩnh để vượt qua những khó khăn trở ngại của cuộc sống và trở thành một hạt cà phê đắng nhưng rất đỗi đậm đà và thơm ngon.

Lương Thanh Thảo

Views: 462 | Added by: Tongdaihiep | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Name *:
Email *:
Code *: